Nghẹt mũi là triệu chứng thường gặp trong các bệnh cảm thông thường, hoặc những bệnh phức tạp hơn như viêm tiểu phế quản ở các bé. Nghẹt mũi gây nhiều khó khăn trong việc thở của bé lúc bú hoặc lúc ngủ, khiến bé khó chịu và có thể làm bé biếng ăn hoặc biếng bú…
Nhiều bậc cha mẹ lạm dụng việc rửa mũi và sử dụng nước muối sinh lý nhỏ giọt không đúng cách dẫn đến tình trạng của bé trở nên phức tạp hơn cũng như gây nhiều khó khăn cho việc điều trị của bé. Dưới đây là một số lời khuyên dành cho bậc cha mẹ khi bé sơ sinh bị nghẹt mũi.
1. Sử dụng loại thuốc nhỏ mũi nào?
Nước muối sinh lý được khuyên dùng cho nhiều trường hợp bị nghẹt mũi ở bé vì nó không phải là thuốc và không gây kích ứng cho bé. Nên dùng nước muối sinh lý được pha sẵn và mua tại các hiệu thuốc, không nên tự pha cho bé dùng vì có thể sai lệch nồng độ muối, không có tác dụng tốt và ảnh hưởng tới sức khỏe bé.
Các thuốc nhỏ mũi chuyên biệt cần phải có tư vấn chuyên gia sức khỏe trước khi dùng.
2. Cách nhỏ mũi cho bé
Trước khi thao tác, mẹ nên rửa tay thật sạch bằng xà phòng diệt khuẩn và lau tay khô.
Đặt bé nằm ngửa, có thể để một cái khăn lót dưới vai bé. Lắc đều dung dịch nước muối sinh lý và nắm chặt lọ trong lòng bàn tay 1 phút để làm ấm nước muối sinh lý.
Nhỏ 2-3 giọt cho mỗi bên mũi và để 2-3 phút. Điều này sẽ giúp làm tan chất nhầy trong mũi bé.
Bế bé lên vai 1-2 phút, dùng khăn giấy không mùi, không bụi để lau xung quanh và phần nước chảy ra từ mũi bé.
3. Cách rửa và hút mũi cho bé
Tương tự như khi nhỏ mũi, mẹ cũng cần rửa tay sạch và lau khô trước khi rửa và hút mũi cho bé. Quá trình này có thể chia làm 2 giai đoạn thực hiện:
- Rửa: Cách làm giống như khi mẹ nhỏ mũi cho bé ở trên. Đặt bé nằm ngừa, lót khăn dưới vai và làm ấm nước muối trước khi nhỏ. Nhỏ 2-3 giọt cho mỗi bên mũi và để khoảng 5-10 phút.
- Hút: Sử dụng dụng cụ hút mũi với ống bóp cao su hình tròn (sản phẩm này có bán tại các hiệu thuốc cũng như các hệ thống cửa hàng dành cho mẹ và bé rất phổ biến) để lần lượt hút từng bên mũi cho bé bằng cách:
+ Bóp ống hút và giữ chặt
+ Nhẹ nhàng đưa đầu ống vào một bên lỗ mũi của bé sâu khoảng 1-1.5cm và thả hơi. Chất nhầy sẽ theo lực hút đi vào ống.
+ Lấy ra và nhả bóp 2-3 lần để tống chất nhầy vào cái khăn.
Lưu ý:
- Việc rửa và hút mũi cho bé chỉ nên làm khi bé nghẹt mũi nhiều và không quá 3-4 lần/ngày. Nên rửa và hút mũi cho bé trước lúc bé bú hoặc trước khi cho bé ngủ nhưng không nên thực hiện trong 2 lần bú gần nhau.
- Việc lạm dụng rửa và hút mũi cho bé quá nhiều lần sẽ làm tổn thương niêm mạc mũi của bé, gây tiết nhiều chất nhờn và làm tình trạng viêm mũi càng thêm phức tạp. Thực hiện không đúng cách cũng có thể ảnh hưởng tới hệ hô hấp của bé, gây tổn thương tế bào mũi và lớp chất nhầy bảo vệ mũi của bé.
- Các tổ chức y tế khuyến cáo các bậc cha mẹ chỉ nên sử dụng các biện pháp nhỏ và hút rửa an toàn ở trên để làm giảm tình trạng nghẹt mũi cho các bé. Mọi biện pháp khác cần có sự tư vấn của bác sĩ hoặc đưa tới các cơ sở y tế để người có chuyên môn thực hiện./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét